Top 5 điểm ấn tượng về robot lau hút bụi Deebot X2 OMNI

Mình vừa đi sự kiện ra mắt con Robot hút bụi lau nhà Ecovacs Deebot X2 Omni về. Là một người sử dụng robot hút bụi từ nhiều năm nay, mình rất ấn tượng với sản phẩm lần này của Ecovacs. Trong chủ đề này mình sẽ nói cho anh em nghe về 5 điểm không chỉ mình mà còn là rất nhiều anh em khác ấn tượng về con robot này.

1 - Đổi từ hình tròn sang vuông

Trừ Neato XV-11 được ra mắt hồi năm 2010, khi nhắc đến robot hút bụi, tất cả mọi người đều nghĩ tới kiểu dáng hình tròn của nó. Mãi đến 13 năm sau, chúng ta mới lại chứng kiến thêm một con robot hình vuông như vậy. Trước khi nói về những lợi ích của một con robot dọn dẹp hình vuông, chúng ta sẽ suy nghĩ về lý do vì sao hầu hết các hãng đều không phát triển robot của họ theo hình này.

Tại sao không có robot hút bụi hình vuông trên thị trường?

Đầu tiên là vấn đề di chuyển của robot khi đi qua những khu vực chật hẹp. Một con robot hình vuông có đặc điểm vật lý là bán kính quay của nó lớn hơn nhiều so với một con robot hình tròn, đây là điều hiển nhiên. Khi nó đi vào những khu vực chật hẹp như giữa các chân ghế chẳng hạn, các nhà sản xuất không giải quyết được vấn đề đường đi và khiến robot không thể tìm thấy lối ra.

Robot hình vuông, tức là có nhiều góc cạnh hơn, sẽ khiến chúng dễ va chạm với đồ đạc trong phòng hơn. Khi va chạm, không chỉ robot bị tác động mà đôi khi nó cũng sẽ làm hư hỏng các món đồ nội thất trong nhà của anh em khi xoay.

Vậy X2 OMNI đã giải quyết được hai bài toán trên như thế nào?

Cải tiến thuật toán: Ecovacs nói rằng họ đã mất rất nhiều năm để tìm ra thuật toán giúp robot vẫn có khả năng thoát khỏi khu vực hạn hẹp. X2 OMNI sử dụng thuật toán riêng biệt cùng với mấy công nghệ marchine learning hay AI gì đó đang nổi đình nổi đám, nhưng mà kệ đi. Tóm lại là nó được cải thiện nhiều về mặt phần mềm so với nhiều năm trước để giúp robot thông minh hơn. Mình nghe nói rằng khả năng thoát khỏi khu vực hẹp của con này ngang ngửa với những con robot hình tròn thông thường luôn.

Thêm nhiều cảm biến hơn: Điều này giúp robot có nhiều “giác quan” hơn, từ đó cảm nhận môi trường tốt hơn. Sau khi lấy được thông tin đầu vào từ nhiều loại cảm biến, các input này được đưa cho bộ xử lý cùng các thuật toán để giúp nó lập bản đồ đồng thời hiểu được đâu là đồ đạc, đâu là vách tường, từ đó giúp hạn chế hỏng hóc nội thất trong căn nhà. Nếu như ở thế hệ X1 trước đó, nó sở hữu khoảng 30 cảm biến thì ở thế hệ X2 OMNI này, nó sở hữu lên tới hơn 40 cảm biến khác nhau trong thân máy.

Lợi ích mà robot hình vuông mang lại?

Với robot hình tròn, muốn tăng kích thước chổi hút, người ta buộc phải đặt chổi càng gần về tâm càng tốt, thế nhưng lúc này chổi lại phải chừa một khoảng không gian hai bên cho bánh xe. Nhưng với hình vuông, chổi hút được đẩy sát lên mép trước để giúp nó hút được các vách tường hơn và đồng thời cũng có thể được thiết kế to hơn. Trên con X2 OMNI, chổi hút của nó có kích thước tới 20cm để hút được nhiều bụi và rác hơn.


Robot hình vuông cũng hạn chế tình trạng bỏ sót không gian chết ở các góc tường, vốn là điểm yếu chí mạng xưa giờ ở các con robot có hình dáng truyền thống. Thiết kế vuông góc giúp con robot này có thể dọn sạch tới 99.7% khu vực góc nhà. Nhờ tối ưu được phần không gian ở góc vuông, con X2 OMNI đã thu hẹp được bề ngang lên tới hơn 4cm. Điều này cũng phần nào giúp nó dễ luồn lách qua không gian hẹp hơn và cũng giúp tổng thể robot nhỏ gọn hơn. Trong bối cảnh các thiết bị gia dụng ngày càng đa dạng thì càng tiết kiệm không gian căn nhà sẽ càng giúp anh em cảm thấy thoải mái hơn.

2 - Cảm biến LiDAR thể rắn mới, được giấu vào bên trong thân máy

So với người tiền nhiệm là X1 OMNI, X2 OMNI “lùn” hơn 9mm và cũng là con robot hút bụi lau nhà mỏng nhất thị trường hiện tại. Tất cả nhờ vào việc họ đã giấu module LiDAR Nhờ vậy, khả năng luồng lách vào các khu vực như gầm giường, ghế, bàn sẽ dễ dàng hơn. Đây cũng chính là khu vực đóng rất nhiều bụi trong nhà mà chúng ta lại thường rất khó tiếp cận để vệ sinh. Như vậy, việc giấu cảm biến vào trong thân robot không chỉ khiến robot liền lạc và thẩm mỹ hơn, nó còn giúp nâng cao được công năng sản phẩm.

Nói một tí về LiDAR, thì không phải tất cả LiDAR đều giống nhau. Trên X2 OMNI, Ecovacs dùng công nghệ LiDAR thể rắn mà họ nói là tiên tiến nhất hiện tại. Để dễ so sánh thì thì dưới đây là một số thông số đáng quan tâm về cụm LiDAR thể rắn khi so sánh với các loại LiDAR truyền thống (trong ngoặc).

  • Khoảng cách hoạt động: 10m (dToF/LDS: 8-10m)
  • Độ ổn định: Cao (yếu hơn)
  • Độ bền: Cao (thấp hơn)
  • Tầm quét: 210 độ (360 độ)
  • Tần số lấy mẫu: 20,000 (dToF: 7200Hz / LDS: 1800Hz)

Như vậy thì mọi thông số của cụm LiDAR thể rắn đều vượt trội so với các công nghệ LiDAR cũ. Chỉ có một điều là góc làm việc của nó giờ chỉ còn 210 độ so với 360 độ như trước. Tuy nhiên, do tổng thể robot có nhiều cảm biến hơn và thuật toán thông minh hơn, do đó anh em không cần phải căng thẳng về vấn đề này

3 - Thông minh hơn

Được định hình là sản phẩm cao cấp nhất của một thương hiệu, không ngạc nhiên khi X2 OMNI cũng được trang bị những gì thông minh nhất mà họ đang có. Sự thông minh thể hiện qua những điểm:

  • Nhận biết không gian động và tự động thay đổi đường đi theo tình huống. Có nghĩa là khi có một sự thay đổi tức thời trong nhà anh em, X2 OMNI sẽ rất nhanh chóng nhận ra điều đó và tự động điều chỉnh lộ trình đi để giúp tránh vật cản và tối ưu thời gian dọn dẹp.
  • Tự động nhận diện khu vực trong nhà: ví dụ nhà bếp là nơi dơ nhất trong nhà thì nó sẽ tự động nhận biết, từ đó đưa ra chế độ lau dọn kĩ lưỡng hơn.
  • Cảm biến nhận diện được thảm một cách chính xác, kết hợp với khả năng nâng giẻ lau lên tới 15mm giúp nó dễ dàng di chuyển qua khu vực thảm hơn.

Tất cả sự thông minh này là kết quả của việc Ecovacs đã trang bị cho X2 OMNI nhiều thuật toán mới kết hợp với công nghệ machine learning để giúp nó xử lý tình huống được tốt hơn.

4 - Lực hút mạnh lên tới 8000Pa

8000Pa là lực hút có thể nói là mạnh nhất trong những con robot hút bụi thông minh đang có mặt trên thị trường. Với lực hút này, X2 OMNI có thể dễ dàng hút sạch bụi nằm trong mọi ngóc ngách của căn nhà. Bên cạnh đó, 8000Pa cũng là một lực hút rất khoẻ để giúp nó dễ dàng làm sạch được các loại thảm trong nhà anh em, vốn là nơi tồn đọng rất nhiều bụi và rất khó vệ sinh.

5 - Giặt/sấy giẻ bằng nước/khí nóng, nâng giẻ lên cao 15mm

Với những con robot hút bụi lau nhà thông thường, chúng ta chỉ cần quan tâm đến hai vấn đề cơ bản là lau rung hay lau xoay, lực hút mạnh bao nhiêu. Nhưng với một con robot định vị ở phân khúc cao cấp như X2 OMNI, chúng ta buộc phải đòi hỏi nhiều hơn ở nó, và may mắn là nó cũng đáp ứng tốt điều đó.

Khi được giặt giẻ ở trạm, X2 OMNI sẽ làm nóng nhiệt độ lên tới 55 độ C. Theo nghiên cứu, đây là mức nhiệt độ tối ưu để đánh tan các vết bẩn cứng đầu trong sớ vải, đồng thời giúp tiêu diệt các vi khuẩn đang có mặt ở bên trong. Sau đó, giẻ sẽ được sấy bằng luồng khí nóng tuần hoàn bên trong trạm để giẻ mau khô, hạn chế phát triển vi khuẩn và tạo ra mùi mốc khó chịu.

Điều cuối cùng mình muốn đề cập tới mà không nhiều con robot có thể làm được đó là tự động nâng giẻ lên cao tới 15mm. Nhờ vậy, nó có khả năng leo thảm tốt hơn, hạn chế tình trạng làm ướt và dơ thảm. Với độ dày tổng thể chỉ có 95mm, nhưng X2 OMNI lại có thể nâng giẻ lên tới 15mm, thuộc dạng cao nhất trên thị trường, mình phải dành một lời khen cho Ecovacs vì đã tối ưu sắp xếp các linh kiện bên trong con robot này quá tốt.

Trên đây là 5 điểm nổi bật nhất mà mình thấy được sau khi trải nghiệm Deebot X2 OMNI. Để lựa ra 5 tính năng nào mình ưu tiên đề cập nhất thật sự rất khó vì nhìn vào con này là thấy một bầu trời công nghệ luôn, tính năng nào cũng hay cả. Thôi, tạm kết ở đây, bài viết trải nghiệm chi tiết hơn sẽ được tụi mình gửi đến anh em sau. Chúc anh em vui vẻ.

Nguồn: Tinhte


MỜI BẠN BÌNH LUẬN VÀ ĐẶT CÂU HỎI

Top 5 điểm ấn tượng về robot lau hút bụi Deebot X2 OMNI