Đánh giá HTC One S

Đánh giá HTC One S, HTC One S, HTC, One S, danh gia, review, tren tay, thuc te, mainguyen, mainguyen.vn, mai nguyen

Ra mắt cùng thời điểm với One X và One V nhưng One S là model cuối cùng trong dòng One series được HTC đưa về Việt Nam. Máy vừa xuất hiện trên các kệ hàng chính hãng với giá bán 13.000.000 đồng cho phiên bản chuẩn và 14.200.000 đồng khi bán kèm với tai nghe urBeats cao cấp.

One S là model cuối cùng trong dòng One series được HTC đưa về Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng thiết kế nguyên khối nhưng thay vì bộ vỏ Polycarbonate như đàn anh One X, One S sử dụng chất liệu kim loại thường thấy trên nhiều model nguyên khối trước đó của HTC. Tuy nhiên đây là smartphone mỏng nhất của HTC khi có độ dày chỉ 7,8 mm. One S sở hữu màn hình Super AMOLED kích thước 4,3 inch với độ phân giải qHD.

One S không thua kém One X khi cũng được trang bị đầy đủ những tính năng mới trên dòng One S series, từ Android 4.0 với giao diện Sense UI 4, camera 8 Megapixel với cảm biến BSI và công nghệ ImageSense, âm thanh với Beats Audio.

Nhưng smartphone One series siêu mỏng của HTC chỉ sở hữu cấu hình lõi kép. Phiên bản phát hành chính hãng tại Việt Nam là model dành cho thị trường châu Á, sử dụng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon S3 MSM8260 tốc độ 1,7 GHz, RAM 512MB.

Phần 1: Thiết kế và màn hình

HTC One S với màn hình 4,3 inch nhưng thiết kế gọn và cầm rất vừa tay. Ảnh: Tuấn Anh.

Không lớn như One X, không nhỏ như One V, One S là model có kích thước vừa vặn nhất trong bộ ba One series của hãng di động Đài Loan. Máy có màn hình 4,3 inch nhưng lại thon và dài, không to ngang như HTC Desire HD và còn gọn gàng hơn cả đàn anh Sensation cùng kích cỡ màn hình. Hai đường viền cạnh trái và phải đều được làm mỏng trong khi cạnh phía trên và phía dưới vẫn được giữ như thông thường khiến cho máy trở nên thuôn hơn.

Ấn tượng đầu tiên mà bất kỳ người nào khi cầm HTC One S sẽ cảm nhận máy rất mỏng và cứng. Với độ dày chỉ 7,8 mm, đây là smartphone mỏng nhất của nhà sản xuất Đài Loan. Bộ vỏ nguyên khối của máy được làm bằng kim loại riêng phần nắp bao quanh camera và đuôi máy là làm từ nhựa dẻo.

Phiên bản màu xanh xám trông đẹp và lạ hơn bản màu đen. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhà sản xuất Đài Loan cho biết, không như vỏ kim loại trên các model thế hệ trước, vỏ nguyên khối trên One S còn được tráng thêm gốm và nung trong nhiệt độ cao nhờ vậy cứng và bền hơn vỏ kim loại thông thường rất nhiều. Khi sử dụng thực tế người dùng sẽ cảm thấy điều này, lớp sơn trên bề mặt kim loại của One S rất chắc, khó trầy xước.

HTC mang tới cho model của mình hai phiên bản có màu sắc khác nhau, xanh và đen. Trong đó model màu xanh thu hút sự chú ý và hấp dẫn hơn hẳn với tông màu xanh nhạt kết hợp với ghi xám chứ không đơn giản và hơi nhàm chán như bản màu đen. Cũng giống như One X, camera 8 Megapixel ở mặt lưng của lồi lên hẳn so với mặt lưng nhưng đẹp hơn và thanh thoát hơn với đường viền kim loại mỏng bao quanh, phiên bản màu xanh là viền xanh đậm còn ở màu đen là viền đỏ.

Ba phím cảm ứng nằm bên dưới màn hình. Ảnh: Tuấn Anh.

Mặt trước của One S vẫn là phong cách không thể lẫn của smartphone Android HTC với màn hình rộng với mặt kính bảo vệ Corning Gorilla Glass và đường viền đen bao quanh. Ba phím cảm ứng đặc trưng của Android đặt ngay dưới màn hình. Trong khi ở phía trên, loa thoại được đặt trong phần viền kim loại của bộ vỏ kim loại, khiến cho máy có cảm giác dài hơn dù có màn hình rộng. Nhìn chung về thiết kế, One S là một chiếc smartphone rất đẹp, được HTC chăm chút kỹ ở từng chi tiết dù là nhỏ và là một sản phẩm có phần cứng bên ngoài rất tốt.

Tuy vậy điểm khiến cho thiết kế của One S chưa thể hoàn hảo lại nằm ở màn hình. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm siêu mỏng như One S, HTC sử dụng loại màn hình Super AMOLED thay cho LCD IPS như trên One X hay LCD thường trên One V. Dù có độ phân giải qHD 540 x 960 pixel và mật độ điểm ảnh lý thuyết 256 ppi nhưng màn hình 4,3 inch của One S không sắc nét và mịn như One X, Xperia S hay như người tiền nhiệm Sensation cùng kích thước. Cấu trúc điểm ảnh PenTile trên màn hình Super AMOLED khiến cho hình ảnh bị rỗ, các điểm ảnh dễ bị lộ rõ khi nhìn gần.

One S sử dụng màn hình Super AMOLED. Ảnh: Tuấn Anh.

HTC thường sử dụng màn hình công nghệ LCD trên smartphone của mình bởi vậy màn hình One S cho cảm giác màu sắc rực hơn các model khác của khác và có thể bất tiện cho người dùng. Như khi chụp hình, màu sắc One S thể hiện trên khung ngắm hay hình ảnh xem lại đều rực hơn hẳn khiến hình ảnh không thể hiện rõ được chi tiết trong khi xem lại trên máy tính, những bức hình đó vẫn rất đẹp.

Bù lại màn hình Super AMOLED của One S cho khả năng hiển thị tốt hơn ngoài trời nắng với góc nhìn rất rộng. Khi trình chiếu phim, màn hình của One S cũng cho khả năng thể hiện thú vị hơn khi có độ tương phản cao, dải màu đen đậm cho trải nghiệm phim ảnh tốt hơn. Bởi vậy với người dùng đã quen sử dụng màn hình công nghệ AMOLED, One S là model khó có điểm gì chê trách trong thiết kế.

Phần 2: Camera và âm thanh

So với One X, One S không hề thua kém tính năng. Mẫu smartphone màn hình 4,3 dòng One của HTC cũng chạy Android 4.0.3 với giao diện HTC Sense 4 mới nhất. Không như One V đã được lược bỏ một số tính năng và hiệu ứng trong giao diện. Sense 4 trên One X có gì thì One S cũng có đầy đủ như vậy, cũng hỗ trợ tính năng kết nối tới thiết bị Media Link HD chứ không bị lược bỏ như trên One V. Tất nhiên tính năng nổi bật và được người mua quan tâm nhất trên One S là camera và âm thanh với lời giới thiệu "máy ảnh tuyệt vời, âm thanh tuyệt đỉnh".

Camera trên One S là một tính năng tuyệt vời. Ảnh: Tuấn Anh.

Tương tự như One X, theo như giới thiệu từ HTC, tính năng chụp ảnh - quay phim trên One S cũng được tích hợp ImageSense đi kèm với camera độ phân giải 8 Megapixel, tiêu cự 28 mm và có f2/0. Tất cả những tính năng độc đáo trên đàn anh One X như khả năng chụp như súng liên thanh, chụp ngay trong lúc quay, lấy nét và đo sáng trong tích tắc hay chế độ chụp ảnh toàn cảnh, nhận diện nụ cười, chụp hình theo nhóm... đều giữ lại y nguyên trên đàn em One S.

Model của HTC là một trong những smartphone có khả năng chụp hình nhanh và dễ dàng nhất hiện nay, mất chưa đến 1 giây là máy đã sẵn sàng ở chế độ chụp, thời gian để máy lấy nét và thực hiện bức hình rồi lưu vào bộ nhớ còn nhanh hơn nhiều như thế. One S có thể chụp liên tiếp khoảng 20 đến 25 bức hình và tự động chọn lọc ra những bức hình có chất lượng tốt nhất cho người dùng.

One S là một trong những smartphone có chất lượng hình chụp tốt nhất trên thị trường hiện nay và có thể sánh ngang với đàn anh One X hay Galaxy S III của Samsung, iPhone 4S của Apple. Đặc biệt chế độ HDR mà HTC đem lại cho hiệu ứng của ảnh chụp thể hiện rõ ràng và tốt nhất. Các bức hình thông thường từ One S sắc nét, độ chi tiết cao, khả năng cân bằng trắng tốt giúp thể hiện màu sắc khá thực với màu sắc bên ngoài.

Nhưng một điểm khá thú vị là camera 8 "chấm" trên One S lại cho độ nhiễu ở điều kiện chụp thiếu sáng thấp hơn đàn anh HTC One X khi thử nghiệm. Thực tế HTC cho biết hai camera của One S và One X hoàn toàn giống như nhưng khi xem lại thông tin EXIF của ảnh chụp từ hai model trên bằng Picasa, thông số lại không trùng khớp. Camera của One X có tiêu cự 3.03 mm với f2/0 còn của One S là 3.63 mm và không có thông tin về f. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho ảnh chụp từ One S và One X có sự chênh lệch đôi chút.

Tương tự như ảnh chụp, video Full HD thu về từ camera 8 Megapixel của HTC One S cho chất lượng đánh giá cao với khả năng lấy nét nhanh, khả năng cân bằng sáng tốt. Video thu về từ One S cũng cho Bitrate cao 9,842Kb mỗi giây với trung bình hơn 28 khung hình mỗi giây nhưng ở một số đoạn, khung hình lại giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 3 khung hình mỗi giây. Chất lượng video Full HD của One S tốt với độ chi tiết cao, màu sắc chân thực nhưng hơi tối hơn thực tế. Âm thanh thu được rất đầy đủ và rõ ràng.

One S chính hãng có hai phiên bản, một sử dụng tai nghe urBeats cao cấp và một bản tai nghe thường. Ảnh: Tuấn Anh.

Không thua kém, One S cũng sở hữu công nghệ âm thanh Beats Audio. Khi kích hoạt tính năng này, âm thanh từ tai nghe sẽ cho chất lượng âm trầm tốt hơn hẳn, mạnh mẽ, sống động hơn trong khi âm trung và âm cao không bị rẻ và xấu đi giống như Equalizer trên một số dòng điện thoại khác. Với từng thể loại nhạc khác nhau, người dùng có thể lựa chọn một chế độ âm thanh phù hợp.

Tuy nhiên để có trải nghiệm âm thanh tốt nhất cũng như tận dụng công nghệ Beats Audio mà One S mang lại, người dùng cần một chiếc tai Beats cao cấp, bởi vậy nếu như có điều kiện về tài chính, người dùng nên lựa chọn phiên bản One S chính hãng với tai nghe urBeats đi kèm Thử nghiệm với tai nghe Phonak PFE 112 vốn yếu về âm trầm, chất âm từ tai nghe trở nên hay và thú vị hơn khi tiếng bass được dồn lên, đầy đặn và mạnh mẽ hơn.

Tương tự như One X, chương trình nghe nhạc trên Sense 4.0 của One S được tích hợp sẵn thêm một loạt tiện ích như SoundHound, có khả năng tự động cập nhật bìa Album nghe nhạc, đi kèm với giao diện đẹp mắt.

Về khả năng trình chiếu phim, dù không có ứng dụng phát video nằm riêng như nghe nhạc nhưng người dùng vẫn có thể tận dụng One S để trình chiếu phim HD và Full HD với những định dạng thông dụng như AVI, MP4 hay MKV. Tất nhiên giống như hầu hết smartphone hiện tại, model có thể không nhận được âm thanh nếu như các file HD sử dụng định dạng âm thanh vòm trên 2 kênh.

Khe cắm microSIM được đặt ở bên dưới nắp nhựa gần camera. Ảnh: Tuấn Anh.

Một đáng tiếc nhỏ là HTC One S không có khe cắm thẻ mở rộng. Với bộ nhớ 16GB thì khả năng lưu trữ của máy vẫn có những hạn chế và bất tiện trong thời đại mà HD đang phổ biến và các game trên Android cũng chiếm dung lượng tới vài trăm MB dữ liệu. Không có thiết kế nguyên khối như One X mà vẫn có thể mở được phần nắp nhựa gần camera để thay thế microSIM, One S hoàn toàn có thể thêm một khe cắm thẻ nhớ nhỏ như microSD.

Phần 3: Hiệu năng và thời lượng pin

HTC One S là một smartphone Android có cấu hình mạnh. Ảnh: Tuấn Anh.

Sở hữu một bộ vỏ nguyên khối làm từ kim loại nên thử nghiệm đầu tiên với One S là về khả năng bắt sóng. Thực tế với nhiều cách cầm khác nhau và trong nhiều điều kiện sử dụng, Số Hóa đã không phát hiện được bất kỳ hiện tượng lỗi sóng nào trên HTC One S. Model của HTC có khả năng bắt sóng Wi-Fi và di động đều rất ổn định. Trong khi người đàn anh One X với kiểu dáng nguyên khối và Polycarbonate vẫn gặp một số như lỗi Wi-Fi hay sóng di động giảm nhẹ khi cầm chặt ở vị trí gần camera. Tuy nhiên One S không có NFC.

Khi ra mắt hồi đầu năm cùng với One X và One V, One S được giới thiệu với cấu hình sử dụng bộ xử lý lõi kép Qualcomm Snapdragon S4 tốc độ 1,5GHz. Kiểm nghiệm bằng các bài test Benchmark cho thấy thậm chí hiệu năng của One S ngang ngửa với One X lõi tứ Tegra 3 và thậm chí còn tốt hơn trong một số bài mục đánh giá cụ thể. Một phần cũng nằm ở việc màn hình của One S có độ phân giải thấp hơn One X lõi tứ nên khả năng xử lý đồ họa được giảm tải.

Nhưng với việc bộ xử lý Qualcomm Snapdragon S4 rơi vào tình trạng thiếu hàng, HTC đã bổ sung thêm một phiên bản One S vơi tên mã One S C2 dành cho châu Á và một số thị trường châu Âu, sử dụng chip Qualcomm Snapdragon S3 nhưng có tốc độ xung nhịp cao hơn, 1,7 GHz. Snapdragon S3 cũng sử dụng cấu trúc chip 45 nm và có đồ họa Adreno 220 thay vì cấu trúc sản xuất chip 28 nm Adreno 225.

Bên trái là kết quả của One S chính hãng dùng chip tốc độ 1,7 GHz còn bên phải là của One S dùng chip tốc độ 1,5GHz.

Sự thay đổi trên khiến cho One S chính hãng (chip 1,7GHz) có một số khác biệt nhỏ và không đáng kể khi sử dụng, nhưng có thể thấy được qua các bài test hiệu năng với One S phiên bản xách tay (chip 1,5GHz) hiện có trên thị trường.

Ở bài test Quadrant Standard Benchmark, One S chính hãng cho điểm số 3.900 điểm còn One S xách tay cho điểm số tốt hơn hẳn, đạt 5.100 điểm, ngang ngửa với One X lõi t . Bài test đồ họa NenaMark 2 cũng cho phần thắng nghiêng về phía model sử dụng chip 1,5 GHz, One S chính hãng có số khung hình mỗi giây là 52 trong khi bản xách tay đạt kết quả tốt nhất trên 60 khung hình mỗi giây, tốt hơn cả đàn anh One X.

Kết quả ở trên là của One S chính hãng còn bên dưới là One S xách tay dùng chip lõi kép tốc độ 1,5 GHz.

Nhưng thực tế khi sử dụng, sự khác nhau về cấu hình như trên không lộ rõ, các phần mềm, trò chơi hay chế độ chụp hình, quay video Full HD đều hoạt động bình thường như nhau, kể cả tốc độ. Một khác biệt nhỏ có thể nhận thấy là One S dùng Qualcomm Snapdragon S3 nhanh nóng hơn phiên bản dùng Snapdragon S4.

Người dùng cũng cần lưu ý là sẽ không thể up rom chung cho hai phiên bản One S trên. Để phân biệt người dùng có thể vào phần cài đặt, thông tin máy, nếu chipset tốc độ 1,7GHz là phiên bản dùng Snapdragon S3 như hàng chính hãng, còn 1,5 GHz là phiên bản dùng Snapdragon S4.

Để phân biệt hai phiên bản, người dùng phải dựa vào tốc độ xung nhịp của chip. Ảnh: Tuấn Anh.

Thiết kế nguyên khối của One S không cho phép thay thế pin nhưng với dung lượng pin 1.650mAh và màn hình Super AMOLED 4,3 inch, model của HTC vẫn có thể đáp ứng người dùng sử dụng tốt trong một ngày làm việc (khoảng 15 giờ) với chế độ kết nối WCDMA/GSM liên tục. Tuy nhiên người dùng sẽ khó để có thể sử dụng máy trong 2 ngày mà không cần đến việc sạc pin.

Lợi thế về pin của One S là thời gian nghe gọi liên tục và xem phim dài, tuy nhiên việc lướt web sẽ khiến máy tốn pin hơn nhiều khi nền trắng của hầu hết trang web là kẻ thù về pin đối với smartphone sử dụng màn hình AMOLED như One S.

Theo Số Hóa

MỜI BẠN BÌNH LUẬN VÀ ĐẶT CÂU HỎI

Đánh giá HTC One S