Asha 300 - 'người anh em' của C3-01

Asha 300 'người anh em' của C3-01, Nokia Asha 300, nokia 300, asha 300, nokia, danh gia, review, mainguyen, mainguyen.vn, mai nguyen
Nokia Asha 300 mang thiết kế dạng thanh và bàn phím truyền thống.

Nokia Asha 300 không phải là chiếc điện thoại đáp ứng đủ mọi yêu cầu công nghệ đỉnh cao nhưng giá cả và sự đơn giản cả trong thiết kế lẫn sử dụng lại là điểm mạnh, giúp máy phù hợp với không ít người dùng.

Model này là một trong 4 điện thoại dòng Asha của Nokia được giới thiệu tại London hồi tháng 10/2011. Máy có dạng thanh và bàn phím truyền thống, trang bị bộ xử lý 1GHz trên giao diện S40 của Nokia, RAM 128MB, camera 5 Megapixel và hỗ trợ các kết nối 3G, HSDPA, Bluetooth nhưng thiếu Wi-Fi.

Ở mức giá 2,5 triệu đồng tại thị trường Việt Nam, Asha 300 đang là điện thoại chip 1GHz và màn hình cảm ứng rẻ nhất.

Thiết kế.

Trong khi Asha 303 có thiết kế giống Nokia X2-01 thì Asha 300 lại giống với chiếc C3-01. Tuy nhiên, Asha 300 có vẻ giống một phiên bản rút gọn của "người anh" thay vì là bản nâng cấp như Asha 303 với X2-01.

Máy khá nhỏ trong lòng bàn tay.

Máy đóng hộp hết sức gọn nhẹ, chỉ một bộ sạc, một tai nghe và cuốn sách hướng dẫn, không kèm theo cáp nối hoặc thẻ nhớ. Với số đo các chiều 112,8 x 49,5 x 12,7 mm và nặng 85g, Asha 300 nhẹ và thon gọn hơn hẳn hẳn chiếc Asha 303, và có thể nói là quá nhẹ khi cầm trên tay.

Thân máy được làm hoàn toàn từ nhựa, mang nhiều "hơi thở" của những mẫu điện thoại Nokia được sản xuất từ những năm cuối của thế kỷ 20 kết hợp với kiểu dáng hiện đại. Nhưng có lẽ phải chấp nhận một sự thật rằng, cái thời "điện thoại rơi vỡ sàn" của Nokia đã trở nên xa xôi. Cũng phải nói luôn rằng nắp lưng của máy trông rất mỏng manh và kém sang trọng nếu so với toàn bộ thân máy, khi cầm mạnh tay sẽ phát ra tiếng ọp ẹp từ thân máy.

Góc trên của màn hình Asha 300.

Màn hình của máy hơi quá khổ so với bàn phím, nhưng điều đó cũng giúp người dùng thao tác dễ dàng hơn, dù chỉ rộng 2,4 inch, nhỏ hơn một chút so với Asha 303, sử dụng cùng công nghệ hiển thị TFT. Nhỏ hơn nhưng lại có cùng độ phân giải QVGA nên Asha 300 hiển thị tốt hơn "người anh em" 303 của mình đôi chút, dù chất lượng hình ảnh vẫn không gây được thiện cảm. Khả năng hiển thị ngoài nắng của màn hình cũng kém, dù độ sáng được đánh giá là "trên mức trung bình".

Giống như các điện thoại cảm ứng khác của Nokia, Asha 300 cũng có khả năng phản hồi thao tác trên màn hình, thông qua tính năng rung khi chạm. Mặc dù chất lượng cảm ứng chưa thực sự tốt khi vẫn có lúc phải dùng lực, nhưng tính năng phản hồi thì rất tốt, cho cảm giác rung ngay dưới đầu ngón tay rõ ràng.

Bàn phím truyền thống.

Đôi phím thoại được đặt dưới màn hình cảm ứng, giữa hai phím này là tắt dành cho việc nhắn tin, cùng với tổng thể bàn phím tạo nên thiết kế hài hòa và được cân đối tốt giữa sự chắc chắn và khả năng phản hồi, giúp cảm giác thao tác trên bàn phím rất thật. Đèn bàn phím sáng và sắc nét. Ngoài ra, loa thoại được tích hợp ngay trên bàn phím (ô tròn nhỏ tại phím số 7) khá lạ mắt.

Cạnh trái của máy gồm móc gắn trang trí và một lẫy nhỏ dành cho việc tháo nắp lưng khỏi máy. Phía bên phải là cặp phím âm lượng thường thấy và một phím khóa màn hình. Do thiết kế khá nhỏ nên các phím này rất khó bấm, đôi khi phải sử dụng đến cả móng tay mới khiến chúng hoạt động được. Việc này hết sức bất tiện khi người dùng muốn điều chỉnh âm lượng trong khi đang trò chuyện qua điện thoại, hay mở khóa màn hình của máy (chức năng rất thường xuyên sử dụng).

Thiết kế phím hông khá bé.

Đỉnh máy chứa cổng sạc chân nhỏ, cùng với cổng microUSB (có khả năng sạc thông qua kết nối với máy tính) và giắc cắm tai nghe 3,5mm. Phía lưng máy là camera 5MP, cao cấp hơn so với Asha 303, cùng với lưới loa nằm phía dưới mặt lưng.

Giao diện S40 trên Asha 300 về cơ bản không có khác biệt so với Asha 303, trừ màn hình mở khóa bằng cách trượt (thường thấy trên iPhone và Android). Các biểu tượng được thiết kế lại theo phong cách của Symbian Anna, tính năng quét tay trên màn hình để mở các ứng dụng hay các widget để truy cập nhanh được đặt ngoài màn hình. Đây đều là những thiết kế dành cho các dòng smartphone hiện tại được Nokia đưa lên chiếc điện thoại giá rẻ của mình.

Tính năng và hiệu năng.

Cũng giống như Asha 303, ứng dụng chơi nhạc của Asha 300 không có gì khác so với các phiên bản S40 thông thường, chỉ trừ việc thêm khả năng cảm ứng. Máy cũng có một vài tùy chỉnh chế độ âm thanh được ẩn trong danh mục của ứng dụng.

Nếu người dùng chán những bài hát trên máy của mình, họ có thể lựa chọn một giải pháp thay thế là chương trình nghe đài FM tích hợp sẵn. Chương trình có các tính năng cơ bản và cũng khá giống với trình nghe nhạc, hỗ trợ người dùng tự dò và lưu các kênh yêu thích của mình.

Camera 5MP nhưng chất lượng không tốt lắm. Loa ngoài được đặt nằm ở góc dưới của mặt lưng.

Chất lượng âm thanh loa ngoài của máy khá ổn định, tốt hơn các điện thoại cùng phân khúc giá, thậm chí còn có phần tốt hơn cả smartphone Lumia 710 vừa ra mắt. Âm thanh rõ ràng và không có hiện tượng bị rè. Tuy nhiên khi cắm tai nghe vào thì mọi chuyện lại khác đi theo hướng xấu hơn. Chất lượng âm thanh giảm hẳn, âm lượng cũng thấp hơn so với khi bật loa ngoài.

Nokia Asha 300 được trang bị camera 5 Megapixel, độ phân giải tối đa 2.592 x 1.944 pixel, với giao diện cải tiến trông giống trên Symbian, hỗ trợ cả chụp ảnh khung hình đứng và nằm, kèm nhiều lựa chọn và điều chỉnh khác.

Chất lượng ảnh tuy chưa phải là tốt nhưng với một thiết bị dùng camera tiêu cự cố định thì cũng tạm ổn. Ảnh có nhiễu, đặc biệt tại các vùng tốt, nhưng khu vực nhiều ánh sáng thì không vấn đề gì. Mức tương phản và khả năng xử lý màu tốt, chi tiết ảnh hiển thị đầy đủ. Điểm yếu nhất của máy ảnh là tâm ảnh bị đổ sắc hồng, giống một số điện thoại dòng S40 khác của Nokia, "nổi tiếng" nhất là chiếc Nokia 6300. Vùng lệch màu này hiển thị rõ nét nhất khi trung tâm bức ảnh là nền trắng.

Nếu đem so sánh với Asha 303 thì chất lượng ảnh của Asha 300 không thể bằng, dù số "chấm" của camera cao hơn. Khả năng hiển thị và xử lý chi tiết của Asha 300 khá kém so với model anh em được trang bị bàn phím QWERTY.

Chất lượng quay phim của máy cũng chỉ ở mức trung bình với màu hiển thị ở mức chấp nhận được, vừa đủ chi tiết. Với một thiết bị sử dụng bộ xử lý 1GHz thì camera của máy thực sự gây thất vọng.

Pin theo máy dung lượng 1.110 mAh.

Chiếc điện thoại này cũng không có được sự nâng cấp cần thiết của Nokia về trình duyệt web, giữ nguyên phiên bản cũ đã có mặt trên hai mẫu khác là X3-02 và C3-01. Tuy nhiên, nhờ lợi thế về bộ xử lý nên máy vẫn xử lý được khá nhanh trong quá trình lướt web. Một số tùy chỉnh quen thuộc như xem toàn màn hình hay zoom trang nội dung trên Symbian S60 cũng xuất hiện trên Asha 300.

Mặc dù hỗ trợ Adobe Flash Lite 3.0 nhưng trình duyệt của máy lại không hỗ trợ Flash, đồng nghĩa với việc người dùng phải xem YouTube từ ứng dụng chứ không xem trên web được. Dù sao thì với một thiết bị màn hình chỉ 2,4 inch, việc hỗ trợ hay không cũng chẳng quan trọng lắm.

Máy cũng được tích hợp một số mạng xã hội cơ bản như Facebook, Twitter,... Ứng dụng Facebook hỗ trợ khá đầy đủ các tính năng thông thường như xem tin nhắn, yêu cầu kết bạn và lời mời tham dự các sự kiện, viết lên trang của bạn bè, xem thông tin cá nhân, đăng ảnh,...

Dù S40 không hỗ trợ đa nhiệm nhưng người dùng vẫn có thể nhận được thông báo cập nhật ngay cả khi đã thoát ứng dụng mạng xã hội bằng cách chọn hiển thị tài khoản ra ngoài màn hình chủ.

Máy được tích hợp sẵn một số game cơ bản, trong đó có cả Angry Birds, nhưng thực sự việc chơi game trên máy giống "đánh vật" hơn là giải trí. Màn hình quá bé để phục vụ cho các game hỗ trợ cảm ứng, khả năng xử lý không mượt mà dù chip 1GHz.

Máy được trang bị pin 1.110 mAh cho thời gian chờ đề xuất là 600 giờ, đàm thoại trên 4 tiếng ở mạng 3G. Theo Nokia, máy có thể nghe nhạc trong 28 giờ liên tục.

Theo Số Hóa

MỜI BẠN BÌNH LUẬN VÀ ĐẶT CÂU HỎI

Asha 300 - 'người anh em' của C3-01