Từ Nexus One đến Nexus 10: lịch sử các thiết bị di động của Google

Từ Nexus One đến Nexus 10: lịch sử các thiết bị di động của Google

Năm 2010, sau nhìn tin đồn đoán thì Google cũng đã tung ra chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android nguyên gốc và không phụ thuộc vào bất kì nhà mạng nào. Đó là chính là Nexus One, chiếc máy khởi đầu cho một dòng thiết bị độc đáo không chỉ bởi cấu hình mạnh mà còn nhờ vào giao diện thuần chất Android. Sau ba năm, dòng Nexus giờ đây đã vươn ra khỏi biên giới của điện thoại để bổ sung thêm máy tính bảng với nhiều kích thước khác nhau. Mỗi một chiếc Nexus đều mang trong mình một số điểm đặc biệt mà không thiết bị nào khác trên thị trường có được. Nhân dịp Nexus 5 mới vừa bán ra, hôm nay mời các bạn cùng xem lại lịch sử của những máy Nexus.

Nexus One

Đây là chiếc điện thoại đầu tiên chính thức mang thương hiện "Nexus" và nó thật sự là một chiếc điện thoại của Google. Được ra mắt vào tháng 1/2010, Nexus One do HTC sản xuất và nó sở hữu cấu hình mạnh mẽ ấn tượng ở thời điểm đó với chip Qualcomm Scorpion 1GHz, GPU Adreno 200 và RAM 512MB. Cạnh dưới của Nexus One là một viên bi điều hướng có tích hợp đèn LED thông báo, ngoài ra còn có camera 5 megapixel.


Máy cũng có màn hình AMOLED kích thước 3,7" độ phân giải 480 x 800. Tuy nhiên, do gặp vấn về nguồn cung nên đến tháng 6/2010, HTC tuyên bố chuyển sang dùng màn hình LCD cho thiết bị này. Lúc mới bán ra, Nexus One được cài sẵn Android 2.1 Eclair mới nhất ở thời điểm đó, giống với truyền thống dòng Nexus sau này. Một thời gian sau, Nexus One cũng là thiết bị đầu tiên được cập nhật lên Android 2.2 FroYo. Những đánh giá ban đầu đề cao khả năng chạy đa nhiệm của Android trên Nexus One, cấu hình máy mạnh, Gmail hỗ trợ nhiều tài khoản... Nexus One bị dừng sản xuất vào tháng 7/2010, quãng đời khá ngắn cho một chiếc smartphone.

Nexus S

Ba tháng sau đó, tức tháng 10/2010, Google lại tiếp tục ra mắt tiếp chiếc điện thoại Nexus thứ hai với tên gọi Nexus S. Điều làm nhiều người bất ngờ đó là Google không còn bắt tay với HTC làm đối tác phần cứng nữa mà chuyển sang chơi với Samsung. Nexus S có thể xem như nỗ lực của Google trong việc quảng bá về Android 2.3. Nếu như Nexus One được bán trực tiếp thông qua website của Google thì Nexus S được phân phối rộng hơn nên người dùng có thể mua nó ở các chuỗi cửa hàng bán lẻ hay nhà mạng. Sau này Nexus S được update lên tối đa là Android 4.1.


Nexus sở hữu thiết kế lạ mắt nhờ mặt kính được làm cong mà theo Google gọi là "Contour Display". Kiểu cong này giúp máy ôm sát vào mặt người dùng khi thực hiện cuộc gọi, và cũng giúp tạo ra vẻ độc nhất cho máy. So với Nexus One, Nexus S không còn sở hữu viên bi điều hướng nữa, cấu hình thì được nâng cấp với vi xử lí đơn nhân Cortex-A8 1GHz, GPU PowerVR SGX 540, RAM 512MB. Nexus S cũng là chiếc điện thoại Android đầu tiên được tích hợp chip NFC.

Theo đánh giá của nhiều trang công nghệ, doanh số ban đầu của Nexus S không tốt như mong đợi. Người dùng than phiền về việc thiếu hụt khe cắm thẻ nhớ, vốn là một tính năng rất phổ biến thời bất giờ, còn vi xử lí thì đã khá cũ so với những đối thủ khác. Việc không hỗ trợ cho kết nối 4G LTE hay HSPA+ cũng là những điểm trừ của Nexus S.

Motorola Xoom

Mặc dù thiết bị này không trực tiếp thuộc dòng Nexus, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể xem nó như một thành viên của gia đình này bởi vì Motorola đã hợp tác với Google để phát triển nên Xoom. Hai công ty thậm chí còn nói rằng nó là "một thiết bị có khả năng mang lại các trải nghiệm Google". Máy cũng được Google hỗ trợ tốt về mặt update tuy không nhanh như các điện thoại Nexus. Xoom ra mắt vào tháng 2/2011 và là thiết bị đầu tiên được cài sẵn Android 3.0 Honeycomb, phiên bản Android đầu tiên được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng. Lúc mới ra mắt, Xoom nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng bởi trước đó Apple mới ra mắt iPad và Xoom hứa hẹn sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm từ Apple.


Tuy nhiên, vì phần mềm chưa hoàn thiện, nhiều tính năng phải chờ bản update mới có thể chạy được cùng với hệ sinh thái thiếu hụt ứng dụng viết riêng cho máy tính bảng nên Xoom đã không thành công như mọi người mong đợi. Xoom hiện đã không còn được sản xuất và Motorola Xyboard (còn gọi là Xoom II) đã ra đời để thay thế cho nó.

Galaxy Nexus

Tháng 11/2011 là lúc Android đang phát triển cực kì mạnh mẽ với 57% lượng máy mới được mua chạy hệ điều hành này, chiếc Galaxy S II thì đang thu hút được một lượng khách hàng lớn bên cạnh chiếc Galaxy S 4G dành cho thị trường Mỹ. Đúng lúc đó, Google tiếp tục tung ra thiết bị Nexus kế tiếp: Galaxy Nexus. Máy vẫn do Samsung sản xuất và được trang bị vi xử lí hai nhân TI OMAP 1,2GHz, RAM 1GB.


Tuy nhiên, điểm nhấn của Galaxy Nexus lại tập trung chủ yếu vào phần mềm mà cụ thể là Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới chạy một bản Android được Google làm mới gần như hoàn toàn, từ các giao diện cho đến tính năng. Ice Cream Sandwich sự lột xác của Android từ một giao diện đầy màu sắc và có phần thiếu chuyên nghiệp sang một giao diện đen tương phản với xanh dương độc đáo (Google gọi là "Holo theme"). Tính đến thời điểm hiện tại, Android 4.4 vẫn được xây dựng chủ yếu dựa trên Android 4.0 đấy thôi. Chưa hết, Galaxy Nexus cũng là smartphone Android đầu tiên áp dụng việc loại bỏ hết các nút điều hướng cứng để thay bằng phím ảo.

Nexus 7

Nếu như Xoom là máy tính bảng lớn thì Nexus 7 lại một thiết bị chỉ có màn hình 7". Nó là tablet đầu tiên thật sự được gắn mác Nexus và do Asus sản xuất. Điểm gây bất ngờ khi Google giới thiệu Nexus 7 hồi tháng 5/2012 đó là mức giá cực thấp, chỉ 199$ cho bản 8GB, trong khi phần cứng của thiết bị không phải là loại xoàng vì có SoC bốn nhân Tegra 3, RAM 1GB, màn hình độ phân giải 1280 x 800. Nexus 7 bản chính thức chỉ có màu đen, còn các lập trình viên tham dự sự kiện hồi tháng 5 thì được tặng thêm máy màu trắng. Máy nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng Android do có mức giá rất hợp lý so với hiệu năng mang lại, kèm theo đó là Android 4.1 mượt mà. Ban đầu, Nexus 7 có hai bản 8GB và 16GB, sau đó Google ra mắt thêm bản 32GB Wi-Fi và 32GB có 3G vào tháng 10 năm ngoái.


Nexus Q

Đây là thiết bị lạ lùng nhất trong dòng Nexus, nó không là smartphone, không là tablet mà là một thiết bị truyền nội dung không dây. Nexus Q sẽ lấy nội dung từ những dịch vụ trực tuyến của Google như YouTube, Play Music rồi truyền ra loa và TV cho người dùng. Nexus Q ra mắt cùng lúc với Nexus 7 (tức tháng 5/2012), chạy một phiên bản tùy biến của Android 4.0 Ice Cream Sandwich và có giá lên đến 299$. Sử dụng cùng chip xử lý của Galaxy Nexus và được trang bị các kết nối như Ethernet, Bluetooth và NFC, Nexus Q có thể được điều khiển thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng Android. Do giá đắt, tính năng không nhiều nên Nexus Q đã bị dừng sản xuất từ tháng 11 năm ngoái.



Nexus 4

Sau hàng tá tin đồn xuất hiện trên mạng, cuối cùng thì thế hệ điện thoại Nexus mới cũng đã ra mắt vào tháng 10/2012. Máy do LG sản xuất và sở hữu một cấu hình mạnh nhất ở thời điểm đó, bao gồm bộ xử lí Qualcomm Snapdragon S4 Pro bốn nhân 1,5GHz, GPU Adreno 320, 2GB RAM, màn hình 4,7" độ phân giải HD 720p. Đây cũng là thiết bị đầu tiên được bán ra có cài sẵn Android 4.2. Trong thời gian đầu, Nexus 4 hao pin và khá nóng, sau đó Google phân phối bản update để khắc phục hết những vấn đề này.


Với mức giá chỉ 299$ cho bản 8GB và 349$ cho bản 16GB, Nexus 4 gây ra một cơn sốt trên toàn thế giới do giá quá thấp trong khi cấu hình lại ngang bằng với hầu hết smartphone cao cấp khác. Máy hết hàng chỉ sau vài chục phút được bán ra và tình trạng khan hiếm hàng diễn ra trong vài tháng sau đó. Ở Việt Nam chúng ta cũng không là ngoại lệ khi Nexus 4 rất hiếm xuất hiện trong thời gian đầu. Google đổ lỗi cho LG vì nguồn cung Nexus 4 quá ít và thất thường, còn LG lại nói là do Google không dự báo đúng nhu cầu của thị trường. Dù sao đi nữa thì Google cũng đã chịu phần phí giao hàng như một cách xin lỗi người dùng.

Nexus 10

Đây là chiếc máy tính bảng 10" đầu tiên trong dòng Nexus và nó được ra mắt cùng lúc với Nexus 4 (tháng 10/2012). Thiết bị này do Samsung sản xuất chứ không phải là Asus như Nexus 7. Nexus 10 sở hữu màn hình với độ phân giải lên đến 2560 x 1600, cao nhất ở thời điểm nó ra mắt và hơn cả màn hình retina mà Apple đang xài cho iPad 4. Máy có vi xử lí Samsung Exynos 5250 với hai nhân ARM Cortex-A15, RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB hoặc 32GB, pin 9000mAh và mỏng 8,9mm. Giá của Nexus 10 bản 16GB là 399 USD còn bản 32GB là 499 USD. So với Nexus 4, Nexus 10 không được quan tâm nhiều bằng.


Nexus 7 (2013)

Đây là thế hệ tiếp nối cho Nexus 7 và nó được ra mắt trong tháng 7/2013. Thiết kế tổng quan của Nexus 7 (2013) không thay đổi nhiều so với người tiền nhiệm, tuy nhiên máy mỏng đi 2mm và nhẹ hơn 50g. Máy chỉ có một màu đen duy nhất, theo ngôn ngữ thiết kế "black on black" của Google. Nexus 7 2013 có tổng cộng 3 phiên bản. Theo đó, phiên bản 16GB Wi-Ficó giá 229 USD, bản 32GB Wi-Fi có giá 269 USD và cuối cùng là bản 32GB LTE với giá 349 USD.

Thay đổi lớn nhất trên Nexus 7 2013 nằm ở màn hình và cũng là điểm giúp thiết bị nhận được nhiều lời khen. Máy được trang bị màn hình độ phân giải cao, 1920 x 1200, so với độ phân giải màn hình của thế hệ trước là 1280 x 800. Google gọi đây là chiếc tablet 7" có màn hình độ phân giải cao nhất hiện nay. Nexus 7 2013 chạy chip Qualcomm Snapdragon S4 Pro, tốc độ 1.5 GHz, RAM 2GB cùng GPU Adreno 320. Đặc biệt, Nexus 7 2013 đã được trang bị camera sau độ phân giải 5MP, bên cạnh camera 1,2MP ở mặt trước. Máy được cài sẵn Android 4.3 Jelly Bean.

Nexus 5

Lại thêm một chiếc điện thoại mới được ra mắt từ Google và lần này vẫn do LG sản xuất. Được công bố vào tháng 11/2013, Nexus 5 có thiết kế mới hơn, mạnh mẽ hơn so với đàn anh. Máy cũng chứng kiến nhiều thay đổi ở bên trong như màn hình Full HD 4,95", CPU Snapdragon 800, camera chính 8MP với chống rung quang học, WiFi ac... một cấu hình rất mạnh mẽ. Đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ điều hành Android 4.4 KitKat với sự thay đổi nhẹ về giao diện và tập trung cải thiện các tính năng bên trong.


Google bán Nexus 5 với hai màu trắng và đen, giá 349$ cho bản dung lượng 16GB và 399$ cho bản 32GB. Theo như ghi nhận thì Nexus 5 bản 16GB màu trắng và đen đã được bán hết sạch tại cửa hàng Mỹ chỉ trong vòng hơn 30 phút cũng bởi giá rẻ so với cấu hình.

Nexus tương lai

Vậy là chúng ta đã được chứng kiến 5 đời điện thoại Nexus, 2 đời tablet Nexus 7" và 1 đời tablet 10", ngoài ra còn có thêm một thiết bị phát nội dung đa phương tiện. Trong tương lai, Nexus sẽ tiếp tục đóng vai trò như một thiết bị có tính định hướng cho thị trường Android, và theo như Google nói thì Nexus là công cụ để Google cho các hãng thiết bị khác thấy rằng Android có thể làm được những gì. Hiện nay người ta cũng đang đồn là dòng Nexus sắp có thêm smartwatch và một thiết bị gì đó tương tự như Google TV. Chúng ta hãy cùng chờ xem sao.

MỜI BẠN BÌNH LUẬN VÀ ĐẶT CÂU HỎI

Từ Nexus One đến Nexus 10: lịch sử các thiết bị di động của Google